Bí quyết ôn kỹ nhớ lâu cho sĩ tử lớp 12

Thời gian ôn thi nước rút, sĩ tử phải hệ thống lại lượng kiến thức lớn, khiến nhiều em rơi vào tình trạng học trước quên sau hoặc nhầm lẫn kiến thức.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi sĩ tử phải ôn tập ít nhất 6 môn khác nhau, mỗi môn lại bao gồm khối lượng kiến thức phải ghi nhớ nhiều.

TS. Lê Thị Thanh Thủy, chuyên gia tâm lý, Trưởng bộ An sinh xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng nếu không phân chia thời gian và có kỹ năng ôn tập, sĩ tử dễ rơi vào tình trạng nhớ trước quên sau, học sau quên trước.

 

TS. Lê Thị Thanh Thủy - Trưởng bộ An sinh xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Lượng kiến thức lớn cần có kế hoạch ôn tập

Để giữ sự tỉnh táo, tập trung mỗi khi ngồi vào bàn ôn tập hoặc giải đề, TS. Lê Thị Thanh Thủy khuyên thí sinh ngủ sâu, đủ giấc và có sức khoẻ tốt. Không ai có thể tập trung làm việc, học tập khi cơ thể mệt mỏi, gà gật hay đau ốm.

"Nếu cơ thể khỏe mạnh và một giấc ngủ sâu trước đó, thí sinh nên tránh xa giường và những chỗ dựa êm ái khi bắt đầu ôn tập. Càng gần những nơi có thể tựa hoặc nằm, tâm lý chúng ta lại có cảm giác muốn nghỉ ngơi hoặc buồn ngủ", cô Thủy nhắn nhủ.

Khi đã xác định ngồi vào bàn ôn tập hoặc luyện giải đề, học sinh nên tắt hết thiết bị giải trí để không bị phân tâm.

Một lưu ý quan trọng được nữ chuyên gia tâm lý gửi đến thí sinh là lựa chọn thời gian học tập phù hợp. Các em hãy học tập khi cơ thể và tâm lý thoải mái nhất. Thay vì thức khuya học bài, học sinh đi ngủ trước 22h và dậy sớm, ngồi vào bàn sau khi tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Ngoài ra, việc uống nước ấm thường xuyên cũng rất tốt cho cơ thể.

Thi tốt nghiệp THPT, thí sinh xác định phải ôn tập một khối lượng kiến thức lớn của nhiều môn. Do đó, TS.Thủy khuyên sĩ tử hãy lên kế hoạch cụ thể, khoa học, siết chặt kỷ luật và phân chia thời gian hợp lý.

Rất nhiều thí sinh thường học bài, luyện đề theo cảm hứng, giờ giấc lộn xộn, đặc biệt học lệch, học tủ khi "nước đã tới chân". cho rằng đó là những điều tối kỵ.

Thí sinh nên bắt đầu mỗi ngày với việc ôn lại kiến thức đã học hôm trước và học bài/môn mới với nội dung sở trường, từ dễ đến khó, tránh tâm lý “khó quá muốn bỏ qua”.

Đặc biệt, các em nên ưu tiên học nhóm, trao đổi cùng nhau sẽ tiếp thu được cách học tập của bạn bè. Giảng lại cho bạn môn mình học tốt sẽ là cách củng cố kiến thức rất tốt. Việc áp dụng nguyên tắc “học đến đâu chắc đến đó”, không học lướt, học nhồi nhét máy móc, cũng rất quan trọng.

 

 

Làm sao để ghi nhớ lâu?

Khi phải nạp một khối lượng kiến thức lớn, việc làm sao để nhớ được lâu là điều mà tất cả sĩ tử đều mong muốn. Theo TS. Lê Thị Thanh Thủy, sĩ tử nên gạch bỏ quan điểm học nhàn nhưng nhớ được lâu ra khỏi đầu. Vì không có sự nhàn hạ nào tạo ra kết quả tốt và không có mẹo nào giúp học ít mà khắc sâu kiến thức.

Thực tế vẫn có một số học sinh gặp hiện tượng “não cá vàng” (ghi nhớ kém) hay suy giảm trí nhớ. Đây là hiện tượng phổ biến ở rất nhiều người. TS. Thủy đưa ra một số nguyên nhân và cách khắc phục như sau:

Nguyên nhân Cách khắc phục
Sức khỏe kém, ngủ không đủ giấc Đảm bảo sinh hoạt điều độ, ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt là giấc ngủ, sĩ tử phải ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Phương pháp học không đúng
Ví dụ học thuộc lòng dù không hiểu, nhồi nhét kiến thức máy móc
Học đi đôi với hiểu, tìm cách hiểu kiến thức rồi mới có thể ghi nhớ. Tìm ra cách ghi nhớ phù hợp. Có bạn vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống kiến thức. Bạn khác học xong sẽ thực hành ứng dụng hoặc giải bài tập thường xuyên mới nhớ.
Ví dụ học một công thức Vật lý sẽ giải 5 bài tập có sử dụng, học một từ vựng tiếng Anh sẽ đặt ra 10 câu có dùng từ ấy. Có bạn vừa học vừa nghe nhạc hoặc kết hợp vận động di chuyển quanh phòng để dễ nhớ. Ngoài ra, thí sinh có thể chọn cách vừa học thuộc vừa ghi chép…
Sắp xếp thời gian học không hợp lý
Ví dụ khi rảnh rỗi hoặc tinh thần sảng khoái, không học mà đợi đến khi mệt mỏi, uể oải mới bắt não bộ làm việc và ghi nhớ.
Phân chia thời gian học một cách hợp lý, khi cơ thể và tâm lý ở trạng thái tốt nhất. Ưu tiên thời gian cho việc học nhưng sĩ tử không được bỏ qua thời gian dành cho các hoạt động giải trí, chăm sóc sức khoẻ hàng ngày.
Ví dụ vẫn duy trì thời gian nhất định để tập thể dục thể thao nhẹ, trò chuyện bạn bè, nghe nhạc.
Thiếu động lực và quyết tâm nên không có sự chú tâm, tập trung. Liên tục đặt ra và củng cố những mong muốn, mơ ước, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai để tạo động lực.

Khi đã tìm ra được nguyên nhân, theo chuyên gia tâm lý, việc kiên trì áp dụng các biện pháp khắc phục là điều kiện tiên quyết để cải thiện tình trạng "não cá vàng"

about-star
about-star