Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến đào tạo của các trường?

14h hôm nay, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh 2019, triển khai tuyển sinh 2020 với các điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP.HCM, Tây Nguyên và Cần Thơ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị chiều 13-2

 

Một số ý kiến tại hội nghị nêu vấn đề dịch bệnh từ virus corona (Covid-19) đang kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của các trường nên đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố kế hoạch thi THPT quốc gia và kế hoạch tuyển sinh để các trường chủ động. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kì thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH và các cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản giữ ổn định. Đề thi năm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 nên các nhà trường hướng dẫn học sinh yên tâm học tập, ôn thi. 

Bộ trưởng Nhạ cũng nhắc nhở công tác quản lý kết quả học tập, ghi học bạ cho học sinh phải nghiêm túc, chặt chẽ, để các cơ sở đào tạo có thể tin cậy sử dụng tuyển sinh theo phương thức xét hồ sơ, học bạ. 

Bộ trưởng cũng đề nghị các trường phổ thông, sở GD-ĐT phải kết hợp với các trường ĐH trong công tác hướng nghiệp. Các trường ĐH cần đảm bảo tính trung thực trong thông tin tuyển sinh để học sinh, phụ huynh tham khảo.

Trao đổi về việc xây dựng phương án tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc phải thận trọng khi mở ngành mới và quyết định tổ hợp xét tuyển. “Tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời, ý kiến một số cá nhân mà mở một ngành mới, hay đưa ra tổ hợp xét tuyển không phù hợp gây hoang mang cho dư luận”- ông Nhạ nói. 

Việc mở ngành cần phải nghiên cứu bài bản, chắc chắn. Trong đó, phải làm tốt khâu nghiên cứu thị trường. Nếu thận trọng, chắc chắn, tuyển sinh cũng thuận lợi. Nhưng nếu chúng ta vội vã, sẽ nhiều rủ ro, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở đào tạo

ĐH Luật đề nghị bổ sung ngành luật vào đào tạo ưu tiên

Trao đổi tại đầu cầu TP.HCM, PGS.TS Trần Hoàng Hải – phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TP.HCM - đề nghị bổ sung ngành luật vào danh mục ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên như các ngành du lịch và công nghệ thông tin. 

Theo ông Hải, để sống và làm việc theo pháp luật, công dân nào cũng cần học luật. Xã hội càng nhiều người biết luật càng văn minh. Do đó, ngành luật nên là ngành được ưu tiên. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT – cho rằng không phải ngẫu nhiên du lịch và công nghệ thông tin mà do các bộ chủ quản có đề án trình chính phủ phê duyệt đưa vào 2 ngành ưu tiên. Nếu thấy cần thiết, các trường trình đề án cho bộ tư pháp để trình thủ tướng, nếu được phê duyệt thì triển khai.

Phân luồng đã rõ rệt

Trao đổi về kết quả tuyển sinh năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh đến việc phân luồng đã rõ rệt hơn trong khoảng hai năm gần đây, qua phân tích số liệu tuyển sinh. 

Cụ thể chỉ có 44% số thí sinh trúng tuyển ĐH, tương ứng với khoảng 390.000 thí sinh. Như vậy có khoảng 66% số thí sinh được phân luồng cho trình độ thấp hơn.

Một điểm nữa được bà Phụng nhắc đến là tuyển sinh của các cơ sở đào tạo giáo viên tăng hơn 3.000 chỉ tiêu so với năm trước. Nhưng điểm tuyển vào các cơ sở đào tạo giáo viên tăng, do Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào. 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

 

Phối hợp tốt hơn vì quyền lợi thí sinh

Chia sẻ về những điều cần rút kinh nghiệm trong tuyển sinh, ông Ngô Thanh Bình - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Thái Bình - cho rằng năm 2019 chưa có sự phối hợp tốt giữa các trường trong giải quyết quyền lợi cho thí sinh. 

Ông Bình đưa ra ví dụ trường hợp đăng ký xét tuyển vào trường ông bị ghi sai đối tượng nên bị loại sau khi rà soát. Trường đã liên hệ với nơi thí sinh có nguyện vọng kế tiếp để thí sinh có cơ hội nhưng trường đó không nhận bổ sung. Phải chờ tới khi Bộ có văn bản chỉ đạo thì thí sinh này mới được nhập học. 

"Nên chăng có hai ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào trong ngành đào tạo sức khoẻ cho đối tượng học liên thông và học sinh phổ thông. Vì đối tượng liên thông đăng ký xet tuyển sau khi đã đi làm mà vẫn phải xếp chung với đối tượng học sinh phổ thông thì thiệt thòi cho các em"

Ông Ngô Thanh Bình - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Thái Bình

Trao đổi về ý kiến của Trường ĐH Y Dược Thái Bình, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD Đại học Bộ GD-ĐT khẳng định dù hình thức nào thì vẫn là bằng đại học. Nên không thể nói hệ chính quy thì cần ngưỡng cao hơn các hệ khác.  Dĩ nhiên vùng sâu vùng xa không tuyển sinh được thì cần chính sách khác. 

Ví dụ như đặt hàng đào tạo. Còn khi đào tạo một trình độ đối với ngành được Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (ngành đào tạo sức khỏe) thì chỉ có một ngưỡng chung.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (giữa) phát biểu tại hội nghị 

 

Kiến nghị công khai bộ dữ liệu tuyển sinh

Đây là ý kiến của ông Hoàng Xuân Hiệp, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội. Theo ông Hiệp với 33,8% các trường tuyển sinh dưới 50% chỉ tiêu, nguyên nhân có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân do các trường thiếu thông tin khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh. 

 

Vì vậy, ông Hiệp kiến nghị với Bộ GD-ĐT công khai bộ dữ liệu tuyển sinh do Bộ GD-ĐT quản lý để các trường tham khảo, có thể lượng hóa nhu cầu nhân lực, nguồn tuyển, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh sát với thực tiễn.

 

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân

 

Hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức

Ông Dương Thăng Long, Trường ĐH Mở Hà Nội đề cập đến câu chuyện tư vấn hướng nghiệp. Theo ông Long việc này đang chưa được quan tâm đúng mức. Con số 60% thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhập học cho thấy số không nhập học khá lớn. Điều này thể hiện việc thí sinh chưa có đầy đủ thông tin về nghề nghiệp, về ngành đào tạo khi đăng ký dự thi. 

Trên thực tế, nhiều trường có điểm tuyển cao nhưng chất lượng đào tạo với một số sinh viên vẫn không tốt do sinh viên “chọn nhầm nghề”. Ông Dương Thăng Long đề nghị công tác hướng nghiệp cần sự chung tay của các trường ĐH và sở GD-ĐT, thậm chí trường ĐH và trường phổ thông. Những nhóm xét tuyển chung không chỉ ngồi với nhau để thực hiện việc xét tuyển mà trước đó cần phối hợp trong việc tư vấn hướng nghiệp sớm để tăng tỷ lệ người học chọn đúng ngành đúng nghề...

Theo tài liệu Bộ GD-ĐT cung cấp tại hội nghị, tuyển sinh 2020 dự kiến có những điểm đáng lưu ý sau: 

Về quy chế

Đối với cơ sở ĐH, CĐ, năm nay Bộ GD-ĐT lấy ý kiến bổ sung 2 nhóm ngành được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên trình độ đại học là du lịch (du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống) và công nghệ thông tin (khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin).

Hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi với hai nhóm ngành này cũng thay đổi so với trước. Nếu như trước đây giảng viên thỉnh giảng chỉ được tính chung hệ số quy đổi cho tất cả các ngành, dự thảo mới bổ sung hệ số giảng viên thỉnh giảng quy đổi cao hơn rất nhiều so với các ngành còn lại khi xác định chỉ tiêu và bằng ½ so với giảng viên cơ hữu.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TP.HCM

 

Bộ cũng sẽ tích hợp quy chế tuyển sinh các hệ chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2 vào cùng một quy chế. Không chỉ vậy, bộ cũng sẽ tiếp tục quy định tiêu chí ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, bổ sung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo hai khối ngành này.

Bộ cũng sẽ đưa ra các quy định chế tài chặt chẽ hơn đối với việc vi phạm quy chế thi, tuyển sinh. Chỉ tiêu các ngành sư phạm được Bộ GD-ĐT phân bổ các cơ sở báo cáo nhu cầu giáo viên của các địa phương.

Điểm đặc biệt năm nay Bộ GD-ĐT không quy định lệ phí tuyển sinh, lệ phí do các cơ sở giáo dục quy định nhưng cần ổn định như các năm trước. Các cơ sở giáo dục thống nhất với Sở GD-ĐT mức thu phí xét tuyển.

 

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị

 

Chỉ 21,05% số trường tuyển đủ chỉ tiêu

Theo báo cáo từ Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2019 chỉ có 76/361 cơ sở giáo dục tuyển đủ chỉ tiêu, chiếm 21,05%. Trong khi đó, có đến 122 cơ sở tuyển sinh đạt dưới 50%, chiếm 33,8%.

Tính theo nhóm ngành, nông lâm nghiệp và thủy sản có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất với 32,6%. Những nhóm ngành khác có tỉ lệ nhập học dưới 50% là khoa học tự nhiên, môi trường và bảo vệ môi trường, dịch vụ xã hội.

Năm 2019 có gần 412.000 thí sinh nhập học bằng các phương thức xét tuyển, đạt 77% tổng chỉ tiêu. Đối với các ngành đào tạo giáo viên, tuy chỉ tiêu năm 2019 tăng so với năm 2018 nhưng tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học lại thấp hơn.

 

Nguồn: Bộ GD-ĐT

 

Tổng số có 27.373 thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên. Tỉ lệ nhập học bậc ĐH đạt 70,89% trong khi CĐ chỉ đạt 46,12%, trung cấp 30,34%.

Kỳ tuyển sinh năm 2019 còn một số hạn chế cần khắc phục cũng được Bộ GD-ĐT chỉ ra. Theo đó, nhiều trường tuyển sinh các tổ hợp không phù hợp ngành đào tạo, lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp, nhập không đúng qui định về danh sách thí sinh trúng tuyển lên hệ thống

 

Thí sinh làm thủ tục xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ THPT năm 2019

Nguồn:  https://tuoitre.vn/dich-benh-keo-dai-anh-huong-den-dao-tao-cua-cac-truong-20200213120650258.htm

 

 

about-star
about-star