Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, cần lưu ý lựa chọn những bài điểm cao để chấm kiểm tra lại, qua đó, khẳng định những bài điểm cao là đúng với năng lực các em.

Không để thí sinh thiệt thòi

Qua kiểm tra công tác chấm thi tại Quảng Nam ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ một lần nữa nhắc lại ý nghĩa, tầm quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa được nhiều trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển.

Đánh giá cao công tác coi thi của tỉnh Quảng Nam vừa qua khi không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế, Thứ trưởng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác chấm thi và cho rằng, chất lượng của hội đồng chấm sẽ là một trong những cơ sở để chứng minh coi thi có tốt hay không.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra - 1

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra quy trình chấm thi trắc nghiệm tại Quảng Nam.

Để đảm bảo chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực, Thứ trưởng đề nghị các thầy cô giáo làm công tác chấm thi gạt hết áp lực khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh.

"Nắm chắc quy chế, hướng dẫn, rõ quy trình chấm", là lưu ý tiếp theo của Thứ trưởng với các thầy cô giáo làm công tác chấm thi. Trong đó, Thứ trưởng nêu ví dụ cụ thể về nguyên tắc chấm tự luận 2 vòng độc lập, việc thống nhất điểm giữa hai người chấm, tổ chức chấm chung nghiêm túc…

"Sự chênh lệch giữa hai giám khảo càng giảm, chất lượng chấm càng tốt. Sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi", Thứ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh tới việc tăng cường trách nhiệm chấm kiểm tra với ít nhất 5% số bài thi và quá trình làm đảm bảo có cơ chế giám sát lẫn nhau.

Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn những bài điểm cao để chấm kiểm tra lại, qua đó, khẳng định những bài điểm cao là đúng với năng lực các em.

"Trong quá trình chấm thi, cái gì có lợi nhất cho thí sinh các thầy cô cố gắng làm, tránh làm mất điểm của thí sinh. Nếu chấm không chính xác sẽ mang lại thiệt thòi cho các em. Khi chấm thi hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác", Thứ trưởng chia sẻ.

Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Thứ trưởng cũng nhắc nhở các giáo viên làm công tác chấm thi cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh. Giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm, kết quả của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra - 2

Đã xuất hiện bài thi Ngữ Văn đạt 9,5 điểm tại Bắc Giang (Ảnh: Mạnh Quân).

Không được sáng tạo trong công tác chấm thi

Ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc đã đi kiểm tra công tác chấm thi tại hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, đến thời điểm này, cả hai địa phương đã tiến hành các công việc để thực hiện chấm thi.

Riêng đối với bài thi tự luận môn Ngữ văn, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Thái Bình thực hiện làm phách một vòng độc lập. Còn đối với Ban Chỉ đạo Thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Hưng Yên thực hiện làm phách theo hai vòng độc lập.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra - 3

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kiểm tra phòng bảo quản bài thi tự luận của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Hưng Yên.

Sau khi kiểm tra thực tế, các thành viên đoàn kiểm tra đều nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên phải đảm bảo không để một cán bộ chấm thi nào không được tập huấn về quy chế, thang điểm theo đáp án của Bộ GDĐT.

Cùng với đó, đối với công tác làm phách cho các bài thi tự luận, dù làm phách một vòng hay hai vòng thì cũng phải đảm bảo đúng theo quy chế hướng dẫn của Bộ GDĐT đã ban hành.

Các phương tiện phục vụ cho quá trình chấm thi, nhất là đối với các phương tiện giám sát, ghi hình phải đảm bảo hoạt động xuyên suốt (24/24h) trong toàn bộ quá trình thực hiện chấm thi. Các cán bộ tham gia tất cả các khâu của quá trình chấm thi phải thực hiện đúng quy trình đã quy định, những vị trí ghi nhật ký phải ghi đầy đủ, chi tiết, không được bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào. Phân công, phân nhiệm rõ ràng từng người, từng vị trí công việc.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu mỗi cán bộ tham gia từng khâu của quá trình chấm thi phải đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo trong quá trình thực thi công việc. "Quá trình chấm thi phải thực hiện tuần tự, đúng tiến độ, đảm bảo khung thời gian đã được Bộ GDĐT đưa ra. Chấm thi nghiêm túc, nhưng cũng phải đảm bảo tiến độ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các phương tiện phục vụ cho quá trình chấm thi, nhất là đối với các phương tiện giám sát, ghi hình phải đảm bảo hoạt động xuyên suốt (24/24h) trong toàn bộ quá trình thực hiện chấm thi. Các cán bộ tham gia tất cả các khâu của quá trình chấm thi phải thực hiện đúng quy trình đã quy định, những vị trí ghi nhật ký phải ghi đầy đủ, chi tiết, không được bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào. Phân công, phân nhiệm rõ ràng từng người, từng vị trí công việc.

Xuất hiện bài thi đạt 9,5 điểm

Ngày 12/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã đi kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Giang, Hòa Bình. 

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác chấm thi được Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt, quy củ theo đúng Quy chế. Ban Chấm thi tự luận có 202 thành viên, chấm kiểm tra theo đúng yêu cầu tại điều 30 của Quy chế thi, chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi.

Ban Chấm thi trắc nghiệm 21 thành viên, được bố trí 01 phòng thực hiện việc bảo quản bài thi trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm; được lắp đặt camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày, bố trí các hòm tôn chắc chắn có khóa để bảo quản bài thi. Hệ thống phương tiện, thiết bị chuẩn bị cho công tác chấm thi trắc nghiệm gồm 04 máy quét, 05 máy tính có cấu hình đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ chấm bài thi trắc nghiệm.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra - 4

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Bắc Giang.

Ghi nhận sự chủ động, khắc phục khó khăn của Bắc Giang trong công tác tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT ở tất cả các khâu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tăng cường công tác giám sát. Giám sát có thể bằng con người, có thể bằng thiết bị để nâng cao tính khách quan, công bằng của kỳ thi. Phải có sự ghi chép, biên bản, chữ kí, niêm phong,… để ngăn chặn, phòng tránh sai sót. Công tác thanh tra, kiểm tra cần có những cải tiến, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để tốt hơn ở những kỳ thi sau.

Thứ trưởng nhấn mạnh yếu tố nhân sự trong công tác tổ chức kỳ thi, ở tất cả các khâu. Thứ trưởng cho rằng, quy trình, Quy chế có chặt chẽ đến mấy nhưng yếu tố con người lỏng lẻo thì sai sót vẫn có thể xảy ra. Quy trình do con người xây dựng, chính vì vậy cũng có thể vì con người mà quy trình bị phá vỡ. Một kỳ thi thành công đòi hỏi từng cá nhân nhất thiết phải nhận thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi cũng như vai trò, trách nhiệm của mình.

Được biết, tại Bắc Giang, Ban tổ chức chấm chung theo quy định 10 bài thi Ngữ văn để thảo luận đáp án. Theo đó, có 1 bài thi có dưới điểm trung bình (4,25 điểm), 3 bài đạt từ 5-7 điểm, 4 bài đạt từ 7-8 điểm và có một bài đạt 9,5 điểm.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Những bài điểm thi cao sẽ chấm kiểm tra - 5

Đoàn kiểm tra số 3 kiểm tra công tác chấm thi tại Hòa Bình.

Còn tại Hòa Bình, riêng khâu chấm thi, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn các địa điểm an toàn, bảo mật. Chấm thi trắc nghiệm và tự luận được phân ra thành hai khu biệt lập. Các phòng chấm thi và bảo quản bài thi đều có camera an ninh giám sát (không có kết nối Internet) ghi hình toàn bộ hoạt động trong phòng. Bố trí bộ lưu điện dự phòng, dung lượng lưu trữ tối thiểu là 21 ngày cùng các thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, lụt, bão.

Việc bố trí nhân sự tham gia các Ban chấm thi và Ban làm phách được Sở GDĐT lựa chọn đủ về số lượng, phù hợp với nhiệm vụ công việc, những người tham gia phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện của Quy chế thi. Các Ban chấm thi, Ban làm phách đều xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của từng ban.

Ghi nhận cố gắng của tỉnh Hòa Bình trong công tác tổ chức coi thi, khi  không có thí sinh, cán bộ làm thi vi phạm Quy chế, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý với địa phương về công tác chấm thi, trong đó nhấn mạnh, công tác chấm thi là công tác đòi hỏi sự cẩn trọng, bảo mật, an toàn, đúng Quy chế, được như vậy thì mới thực sự đem lại được công bằng cho các thí sinh.

about-star
about-star