“Hơn bất cứ ai khác, chính các bạn là nhân tố then chốt kiến tạo xã hội thực tại và kiến tạo tương lai của các bạn” - nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh
Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Dự lễ khai giảng năm học 2022- 2023 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM tổ chức sáng 15-10, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - cựu sinh viên của trường - đã có bài phát biểu trước tập thể cán bộ, giảng viên và hơn 4.000 tân sinh viên.
Trong bài phát biểu này, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết sự phát triển của thế giới hiện nay đặt cho chúng ta nhiều vấn đề để cùng suy nghĩ. Trong đó, câu hỏi "Khoa học xã hội và nhân văn có vai trò như thế nào đối với thế giới đương đại?" vốn là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và liên quan nhiều ngành khoa học khác nhau chứ không riêng ngành khoa học nào.
Phân tích một cách thấu đáo về vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta nhận thức rằng ngành khoa học mà chúng ta đang gắn bó có vai trò hết sức quan trọng. Nói một cách gần gũi, khoa học xã hội và nhân văn thể hiện dấu ấn trong ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng; phong tục tập quán mà chúng ta đang thực hành; quan điểm của chúng ta về cuộc sống và cách sống; hành động và ứng xử của chúng ta đối với chính bản thân và những người xung quanh.
Nói một cách hệ thống hơn, khoa học xã hội và nhân văn đang tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế và tiến bộ của mỗi quốc gia thông qua những ứng dụng như: Là ngành khoa học giúp lưu giữ và phát triển hệ thống tri thức khoa học về văn hóa, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, tri thức bản địa…, giúp chuyển tiếp hệ thống tri thức này cho thế hệ kế cận; làm cơ sở cho quá trình hoạch định chính sách phát triển quốc gia, địa phương và cộng đồng; nuôi dưỡng và làm giàu tâm hồn, trí tuệ và tính cách của con người. Đặc biệt, tri thức khoa học xã hội và nhân văn mang tính dẫn dắt, định hướng cho con đường phát triển của xã hội.
Tân sinh viên tại lễ khai giảng
Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng hơn 4.000 tân sinh viên "thế hệ Z" đã xuất sắc vượt qua một hành trình phấn đấu để trở thành sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong hệ thống ĐHQG TP HCM. Theo bà, các sinh viên này có điều kiện rất thuận lợi để phát huy năng lực bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
"Các bạn đang sống trong một thế giới nhiều biến động, thay đổi nhanh chóng và sáng tạo chưa từng có. Xã hội thường gắn "thế hệ Z" với những đặc điểm như "độc lập", "trách nhiệm", "phản biện", "linh hoạt", ‘nhiều tri thức khoa học". Theo quan điểm của tôi, ‘trách nhiệm" chính là phẩm chất mà xã hội đang đề cao cũng như kỳ vọng nhiều nhất ở các bạn. "Trách nhiệm" cũng chính là một thành tố trong giá trị cốt lõi "Sáng tạo – Dẫn dắt – Trách nhiệm" mà trường chúng ta đang thực thi" - nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
"Hãy có trách nhiệm với chính các bạn. Đó là trách nhiệm với suy nghĩ, với hành động, với kết quả hay hệ quả mà bạn tạo ra, là trách nhiệm kiến tạo nên chính bản thân các bạn với tư cách một người hữu ích cho xã hội
Hãy có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với những người đã luôn đồng hành và dành tất cả tình yêu thương cho các bạn trong suốt cuộc đời.
Hãy có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân loại. Trách nhiệm với không gian sinh tồn, không gian phát triển và nền hòa bình mà bao thế hệ đã phải hy sinh trong những cuộc kháng chiến vĩ đại nhằm bảo vệ thành quả và di sản của tổ tiên để chúng ta có được một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất như ngày hôm nay. Hãy luôn nuôi dưỡng tính nhân văn trong mỗi con người để chúng ta cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp và đầy tình nhân ái...
Hơn bất cứ ai khác, chính các bạn là nhân tố then chốt kiến tạo xã hội thực tại và kiến tạo tương lai của các bạn" - nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắn nhủ.

- Nữ sinh nghèo hiếu học được đặc cách vào trường công an
- Thứ trưởng Bộ GDĐT nhắn nhủ hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023
- Số lượng thí sinh thi đại học năm 2023
- Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?
- Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
- Sinh viên cần chuẩn bị những gì cho môi trường Đại học
- Học đại học cần chuẩn bị những gì?
- Sinh viên năm nhất lên đại học cần chuẩn bị gì cho đầy đủ?
- Bằng cấp không quan trọng nhưng vì sao vẫn phải học đại học?
- Đại học không “học đại”
- Có cần học đại học không?
- 6 lí do bạn nên học đại học
- Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?
- LƯU Ý THÍ SINH SAU KHI BIẾT ĐIỂM CHUẨN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2023
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023
- Sĩ tử Hà Nội tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Thủ khoa toàn quốc của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tiết lộ điều bất ngờ…
- Chân dung thủ khoa các khối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Nhân lên những câu chuyện đẹp mùa thi
- 10 trải nghiệm không thể thiếu thời sinh viên
- TOP 10 Mẹo cho Sinh viên năm nhất Đại học 2023
- Nên làm gì vào năm nhất đại học? Những điều sinh viên năm nhất nên biết
- Năm Nhất Đại học: Sinh viên nên làm gì?
- Chuyển đổi số thi tốt nghiệp và tuyển sinh: Lợi ích từ việc không thể không làm
Tin cùng loại
