Phiên toà giả định - môn học đặc biệt của sinh viên ngành Luật VYA

Phiên tòa giả định là mô hình học tập phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là sinh viên ngành Luật. Đây là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp sinh viên tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là cơ hội để sinh viên ngành Luật trực tiếp tham gia nghiên cứu những vụ việc thực tế của ngành học, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm… Bên cạnh đó, phiên toà giả định còn là kênh giáo dục có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối với tất cả các đối tượng được phổ biến.

Mô hình “Phiên tòa giả định” áp dụng tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – cơ sở giáo dục đại học nằm trong Mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành Luật của Việt Nam.

 

“Phiên tòa giả định” được thực hiện với diễn biến, quá trình xét xử như một cuộc xét xử tại Tòa án, bao gồm đủ các thành phần Hội đồng xét xử do các sinh viên đang theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật tái hiện như một phiên tòa thật.

Ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, thầy cô sẽ chỉ đứng phía sau hỗ trợ, định hướng, cùng với sự hướng dẫn của những Luật sư đến từ Hãng Luật Phương Nam, sinh viên Luật VYA sẽ chính là những người tự mình xây dựng kế hoạch, tổ chức và phân công nhiệm vụ, liên hệ các đơn vị phối hợp để xây dựng nên một phiên toà tập sự thành công.

Hãng Luật Phương Nam hỗ trợ lựa chọn vụ án, cung cấp bản án và tư vấn nội dung hoạt động “xét xử”, “tuyên án”. Dưới sự hướng dẫn của các Luật sư, sinh viên không chỉ “diễn” lại một phiên xét xử mà hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản; phân công người tham gia và phối hợp tổ chức dàn dựng để diễn ra một phiên toà thực sự mang diễn biến thực tế.

 

 

Việc lựa chọn nội dung pháp luật để xây dựng phiên tòa giả định được thực hiện linh hoạt, phù hợp với chương trình đào tạo của sinh viên năm hai, năm ba. Những vụ án được chọn để mô phỏng cho Phiên tòa giả định thường là những vụ án điểm, có tính thời sự và gắn liền với yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm đang diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội.

 

 

Với vai trò là một “môn học” đặc biệt dành cho sinh viên Luật VYA,  kịch bản được xem là khâu rất quan trọng nhất, phải bảo đảm sao cho diễn biến của phiên tòa tập sự khi diễn ra phản ánh tương đối đầy đủ các tình tiết của vụ án trên thực tế, nhưng cần lược bỏ bớt một số chi tiết, thủ tục của phiên tòa thật để tránh rườm rà, nhàm chán cho khán giả. Do đó nội dung kịch bản luôn được chuẩn bị kỹ, chi tiết và logic. Nội dung phần đối đáp giữa các nhân vật trong các vai thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, bị cáo, bị hại… đã được các bạn sinh viên viết lại sao cho trong phần lớn các lời thoại đều có chứa nội dung pháp luật cần đưa ra hoặc chứa những thông điệp có ý nghĩa giáo dục nhận thức về pháp luật sâu sắc. Tùy theo tình huống của từng câu chuyện, kịch bản có thể lồng ghép một số quy định pháp luật liên quan vào lời thoại của các nhân vật như: vấn đề trách nhiệm liên đới giữa các bị cáo về bồi thường thiệt hại; trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người chưa thành niên trong một số trường hợp được pháp luật quy định; trách nhiệm của gia đình và xã hội…

 

 

Những sinh viên được lựa chọn tham gia phiên toà là những sinh viên xuất sắc do các lớp đề cử và giảng viên hướng dẫn thực tập đưa ra quyết định cuối cùng. Các “diễn viên” tại phiên tòa giả định từ chủ tọa, hội thẩm nhân dân, đại diện viện kiểm sát, thư ký phiên tòa đến những người tham gia tố tụng như bị cáo, bị hại, người làm chứng 100% do sinh viên đóng vai. Trong quá trình diễn tập, các bạn sinh viên sẽ nhận được sự tham gia góp ý của các Luật sư của Hãng Luật Phương Nam và các giảng viên Luật.

 

 

Để tăng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật của một phiên tòa giả định, cần có hoạt động truyền thông nhằm thu hút sự chú ý của những người quan tâm. Chính vì lí do đó, phiên tòa giả định thường được tổ chức tại hội trường lớn. Số lượng sinh viên đến tham dự càng đông hiệu quả giáo dục cũng như tuyên truyền càng cao. Để tạo sự thu hút, hiệu ứng tác động cho những người tham gia trước khi đi vào quá trình xét xử, các bạn sinh viên cũng xây dựng những đoạn clip tái hiện sinh động quá trình vi phạm pháp luật của các bị cáo trong vụ án, nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội. Qua đó đã tăng cường tính giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, đặc biệt trong thanh thiếu niên.

 

 

Đặc biệt, sau khi thực hiện phiên tòa, sẽ có thêm thời gian dành cho các bạn sinh viên, đặc biệt là thành viên câu chưa tham gia phiên toà có thể làm rõ hơn một số nội dung pháp luật mà phiên tòa giả định đã đề cập hoặc thông tin về tình hình tội phạm có liên quan trong vụ án để gửi thông điệp pháp luật cho khán giả; tiếp nhận câu hỏi từ người xem và giải đáp những thắc mắc pháp luật trực tiếp.

Nếu các bạn muốn trở thành những thành viên của các phiên toà giả định tiếp theo, trải nghiệm những “môn học” thú vị này, hãy về với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam để trở thành tân sinh viên Luật của trường Đoàn.

about-star
about-star