Sự cần thiết của công tác xã hội trường học

Công tác xã hội là một khoa học ứng dụng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của con người, tạo ra những chuyển biến xã hội và đem lại nền an sinh cho mọi người trong xã hội. 

Hơn một thế kỷ qua, khoa học và nghề chuyên môn công tác xã hội đã hình thành và phát triển đem lại những lợi ích đáng kể thông qua việc cung cấp các dịch vụ hữu ích cho con người. Công tác xã hội đã được đưa vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Chăm sóc hỗ trợ những đối tượng thiệt thòi, yếm thế (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật,…) trong bệnh viện, toà án và đặc biệt là trong trường học. Ở các nước trên thế giới, CTXH trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 04 đối tượng chính ở trường học đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. CTXH trường học trở thành cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường nhằm giúp các em có điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất, giải quyết căng thẳng khủng hoảng tinh thần, các dấu hiệu và hành vi tự tử.

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ học sinh bị bạo lực, xâm hại tình dục, bỏ học, trốn học,… ngày càng nhiều. Các vấn đề này xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống như nhận diện bản thân, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình. Để giải quyết các vấn đề trong trường học hiện nay, tạo ra một môi trường lành mạnh, thân thiện để học sinh có thể học tập một cách tốt nhất đòi hỏi cần có các biện pháp hữu hiệu, kịp thời để phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp học sinh. Thời gian qua, trong trường học cũng đã có nhiều hoạt động trợ giúp học sinh được triển khai như tư vấn, hoạt động tổ nhóm, câu lạc bộ. Tuy nhiên, những hoạt động trợ giúp chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh ở loại hình dịch vụ, mức độ chuyên nghiệp và sự dễ dàng trong tiếp cận. Trước thực trạng đó, ngày 25/01/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 327/QĐ-BGĐDT ban hành kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trong ngành giáo dục giai đoạn 2017 – 2020. Kế hoạch đề ra mục tiêu phát triển CTXH trong ngành Giáo dục nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong tất cả các nhà trường trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các ngành sử dụng nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Kế hoạch đặt mục tiêu đến hết năm 2020 cả nước có 40% số trường THPT, 30% số trường THCS và 10% số trường tiểu học có tổ/nhóm công tác xã hội và có hệ thống hỗ trợ cho những học sinh bị xâm hại, bạo lực. Hiện nay, mô hình phòng CTXH trường học đã được triển khai ở một số trường phổ thông từ các địa phương, tuy nhiên mới chỉ dừng ở việc thành lập một cách tương đối tự phát, chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT về điều kiện thành lập mô hình CTXH trường học. Ngày 28/12/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học đánh dấu bước phát triển quan trọng của CTXH trong trường học ở Việt Nam.

about-star
about-star