Đó là cảnh báo của các chuyên gia với thí sinh trong việc thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay theo quy định mới.
Diễn ra ngày 24-7, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, nên hai ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ tại hai thành phố lớn nhất nước thu hút rất đông thí sinh và phụ huynh tham gia. Hai ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) phối hợp tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Không đăng ký lại nguyện vọng coi như từ chối trúng tuyển
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), từ ngày 22-7 đến 17h ngày 20-8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần: việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của bộ hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất" - ông Hùng chia sẻ.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - lưu ý thêm: "Dù thí sinh trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng sau khi Bộ GD-ĐT lọc ảo dựa trên việc đăng ký lại nguyện vọng của thí sinh trên hệ thống chung, mỗi em chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, không có chuyện thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, trường khác nhau. Hiện nay thí sinh đã biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển. Nếu thí sinh đã trúng tuyển trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, các em cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển".
Phải đăng ký đúng quy trình, đóng phí đầy đủ
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng trên hệ thống đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng căn dặn: "Trong quá trình đăng ký nguyện vọng trực tuyến, thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh".
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng cách thức đăng ký xét tuyển năm nay rất mới nên thí sinh và cả phụ huynh có nhiều băn khoăn, lo lắng.
"Với quy định chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất, nếu thí sinh thật sự yêu thích ngành, trường nào đó đã đủ điều kiện trúng tuyển thì nên đặt nguyện vọng 1. Nếu còn băn khoăn thì đăng ký xét bằng điểm thi THPT theo thứ tự ưu tiên ngành mình yêu thích, phù hợp với năng lực của mình, đồng thời phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm bên dưới. Khi đó, nếu không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT thì vẫn đảm bảo việc thí sinh trúng tuyển" - ông Hạ nhắn nhủ.
Không được ép thí sinh chọn nguyện vọng 1
Phát biểu tại ngày hội ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), khẳng định thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. "Thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng 1 vào trường/ngành thí sinh được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển có điều kiện nếu đó là nguyện vọng thí sinh mong muốn nhất. Không có cơ sở đào tạo nào được phép ép buộc, yêu cầu thí sinh phải cam kết đăng ký nguyện vọng 1" - bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
Bà Thủy cũng cho rằng nếu một cơ sở nào yêu cầu thí sinh phải xác nhận nhập học sớm so với lịch Bộ GD-ĐT quy định hoặc ép buộc thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT thì cần phản ánh về bộ.

- Nữ sinh nghèo hiếu học được đặc cách vào trường công an
- Thứ trưởng Bộ GDĐT nhắn nhủ hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023
- Số lượng thí sinh thi đại học năm 2023
- Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?
- Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
- Sinh viên cần chuẩn bị những gì cho môi trường Đại học
- Học đại học cần chuẩn bị những gì?
- Sinh viên năm nhất lên đại học cần chuẩn bị gì cho đầy đủ?
- Bằng cấp không quan trọng nhưng vì sao vẫn phải học đại học?
- Đại học không “học đại”
- Có cần học đại học không?
- 6 lí do bạn nên học đại học
- Tranh cãi nên đi du học hay học đại học ở trong nước?
- LƯU Ý THÍ SINH SAU KHI BIẾT ĐIỂM CHUẨN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2023
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023
- Sĩ tử Hà Nội tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Nữ sinh duy nhất đạt điểm 10 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Thủ khoa toàn quốc của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tiết lộ điều bất ngờ…
- Chân dung thủ khoa các khối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
- Nhân lên những câu chuyện đẹp mùa thi
- 10 trải nghiệm không thể thiếu thời sinh viên
- TOP 10 Mẹo cho Sinh viên năm nhất Đại học 2023
- Nên làm gì vào năm nhất đại học? Những điều sinh viên năm nhất nên biết
- Năm Nhất Đại học: Sinh viên nên làm gì?
- Chuyển đổi số thi tốt nghiệp và tuyển sinh: Lợi ích từ việc không thể không làm
Tin cùng loại
